Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có chiến lược tuyển dụng, đào tạo cũng như giữ nhân tài. Hãy cùng tìm hiểu về cách giữ chân người giỏi tại một số công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Ngày hôm nay hãy cùng quantrinhansu.vn tìm hiểu về chủ đề rất thú vị này qua bài viết nhé.
Xu hướng quản lý của các lãnh đạo thế giới chính là “Work less, Make more”, tức là giảm lao động vất vả và tăng giá trị tạo dựng trong cuộc sống. Người lao động không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn phải có thời gian để tận hưởng cuộc sống, để phát triển bản thân và tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Điều đó sẽ làm cho nhân viên hạnh phúc và muốn ở lại tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Là một người theo xu hướng này, Mark Zuckerberg – CEO của Facebook từng nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hiệu suất làm việc của nhân viên, do đó, chúng tôi tạo cơ hội để nhân viên giỏi được thăng cấp bậc qua từng năm dựa vào hiệu suất làm việc của họ và đi kèm với điều đó là mức đãi ngộ cao. Thậm chí, nếu vươn lên đảm nhận các chức vụ quản lý, tiền lương, thưởng họ nhận được sẽ ngang với các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp”.
Để đạt được mức đãi ngộ này, hàng năm Facebook tổ chức các kỳ sát hạch gắt gao nhằm tăng thứ bậc, thay đổi vị trí công việc. Theo đó, mỗi nhân viên phải tìm cách rút ngắn thời gian làm việc mà chất lượng công việc được giao vẫn đạt hiệu quả cao so với những đồng nghiệp cùng vị trí. Vượt qua kỳ sát hạch, nhân viên không chỉ được thăng cấp, có được nguồn thu nhập cao hơn trước mà còn có thời gian, cơ hội tự do lựa chọn một cuộc sống như mình mong muốn.
Theo bản báo cáo của Grassdoor – một tổ chức giới thiệu việc làm online tại Mỹ, một chuyên viên phân tích sản phẩm (vị trí trung bình tại Facebook) hiện đang có mức lương 118.864 USD/tháng (khoảng 3 tỷ VNĐ), kỹ sư phần mềm tại Facebook được chia ra làm 5 bậc, trong đó kỹ sư phần mềm bậc V (cấp cao nhất) có mức lương 259.349 USD/tháng (khoảng 6 tỷ VNĐ). Bên cạnh đó, nếu nhân viên sinh con, Facebook sẽ cung cấp thêm 4.000 USD.
1. Xây dựng môi trường phát triển toàn diện
Laszlo Bock – Phó Chủ tịch cấp cao điều hành nhân sự của Google đã chia sẻ rằng, những người giỏi nhất trong Google muốn nhiều hơn ngoài việc kiếm tiền. Do đó, theo ông, người tài ở lại với doanh nghiệp vì 2 lý do. Một là, chất lượng của những nhân viên làm cùng họ. Google đặt ra một tiêu chuẩn rất cao cho bất cứ người nào mà công ty tuyển dụng. Dù họ xin việc vào vị trí trợ lý hành chính hay kỹ sư cấp cao, tất cả đều được cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng.
Lý do thứ hai, ngoài mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn, Google còn tạo cơ hội phát triển toàn diện cả về năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng sống cho nhân viên qua các khóa đào tạo độc đáo. Hàng năm, Google dành số tiền lớn cho lĩnh vực đào tạo như, đào tạo kỹ năng CSI (Kỹ năng sáng tạo để đổi mới); mở lớp vũ đạo để nhân viên trao đổi kinh nghiệm, tránh trường hợp nhảy kém tại các bữa tiệc hay khóa học về kỹ năng đàm phán… Công ty thậm chí còn quan tâm đến đời sống nhân viên cũng như điều kiện kinh tế của họ bằng cách mở khóa học cân đối tài chính cho nhân viên sống ở New York và vịnh San Franciso – nơi mà chi phí sinh hoạt rất đắt đỏ.
Bên cạnh đó, nhân viên Google cũng được hưởng thêm những đặc quyền như bữa trưa miễn phí, massage trong nhà… hay nếu một nhân viên của Google qua đời, người thân/vị hôn thê của người đó sẽ nhận được 50% lương của người đã mất trong suốt 10 năm, con của họ được chu cấp cho đến năm 18 tuổi.
2. Công nhận, khích lệ người tài
Hãng công nghệ trí tuệ nhân tạo Rackspace Managed Hosting đảm bảo cho mọi nhân viên luôn có cảm giác được tôn trọng và tự hào về công việc mình đang làm. Các chương trình công nhận và khích lệ người tài sẽ giúp nhân viên thoả mãn nhu cầu đó. CEO Graham Weston của hãng này đã cho các nhân viên có thành tích xuất sắc được sử dụng xe riêng của ông trong một tuần. Graham cho biết: “Nếu bạn đưa cho ai đó 200 USD, điều này không có nhiều ý nghĩa. Khi ai đó được sử dụng xe riêng của tôi trong 01 tuần, họ sẽ không bao giờ quên”.
Hay hãng Công nghệ First American (Mỹ), CEO hãng này tặng cho những nhân viên xuất sắc một chiếc bánh gato và tấm séc trị giá 200 USD mỗi năm vào đúng dịp kỷ niệm ngày bắt đầu đi làm của họ tại doanh nghiệp. Hai lần trong một năm, con của các nhân viên sẽ nhận được tấm thẻ mua hàng trị giá 50 USD. Ngoài ra, thứ sáu hàng tuần, các nhân viên sẽ đổi việc cho nhau trong vòng 1 giờ… Tất cả nhằm xây dựng một tập thể gồm những người tài có thể dung hòa cái tôi cá nhân, đoàn kết hơn và cải thiện môi trường giao tiếp trong doanh nghiệp.
3. Gắn bó với nhân viên và ủng hộ họ
Nhà máy sản xuất tên lửa SpaceX từ lâu được biết đến với khả năng tạo ra các sản phẩm mới, có nhiều sáng tạo. CEO của SpaceX là Elon Musk cho biết: “Để “giữ chân” người giỏi thì CEO phải biết khéo léo khơi dậy sự kỳ vọng của mình đối với nhân viên đó, không ai có thể thay thế vị trí này của họ, góp phần định hướng ý muốn nhân viên sẽ làm việc như thế nào. Trường hợp sếp luôn tỏ thái độ thất vọng hay ít giao tiếp, không thể hiện suy nghĩ của mình, sẽ làm cho nhân viên chán nản và bỏ cuộc, dù trước đó họ đã cố gắng rất nhiều trong công việc”. Chính vì vậy, Elon Musk thường dành thời gian mời nhân viên xuất sắc nhất trong tháng đi ăn tối. Hoặc thay vì đòi hỏi nhiều từ phía nhân viên, Musk dành thời gian để gửi mail động viên cũng như trò chuyện nhiều với họ. Musk cũng đưa nhân viên đi xem phim với những người nổi tiếng, người thông minh, đặc biệt là với những nhà khoa học giỏi về lĩnh vực tên lửa… Đó là cách để Elon Musk trở nên gần gũi và giữ chân được những nhân tài cho công ty của mình.
Nguồn: vanhoa.evn.com.vn
Discussion about this post